Đối với phân khúc nhà ở, nguồn cung quý 1/2024 đạt 20.541 sản phẩm, trong đó có 4.300 sản phẩm mới hoàn toàn. Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận 6.200 giao dịch, tăng 8% so quý 4/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ tiếp tục cải thiện, đạt 31%, tăng 5% so quý 4/2023 và 19% so với cùng kỳ năm 2023…
Các diễn giả đánh giá và dự báo về thị trường bất động sản.
Tại hội nghị công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 1/2024 và dự báo quý 2/2024, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam đã có chuyển biến tích cực hơn.
Thêm 4.300 sản phẩm nhà ở mới
Thông tin tại sự kiện, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường & Tư vấn xúc tiến đầu tư của Vars, cho biết đối với phân khúc nhà ở, nguồn cung quý 1/2024 đạt 20.541 sản phẩm. Trong đó, có 4.300 sản phẩm mới hoàn toàn, còn lại là hàng tồn của giai đoạn mở bán trước. Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản quy mô hàng chục nghìn ha, vốn hàng tỷ USD cũng đồng loạt khởi công; các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu rục rịch kế hoạch “bung hàng”, hoạt động khởi công sự kiện kích hoạt, làm mới hàng cũ diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn, làn sóng ngày càng lan rộng.
Mặt khác, quý này cũng ghi nhận 6.200 giao dịch, tăng 8% so quý 4/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ tiếp tục cải thiện, đạt gần 31%, tăng 5% so quý 4/2023 và 19% so với cùng kỳ năm 2023. Những dự án căn hộ chung cư giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như “ra là hết”. Đặc biệt, tại Hà Nội, phân khúc căn hộ chung cư giao dịch rất nhộn nhịp.
Về giá bán, bà Miền nhận định giá sơ cấp duy trì xu hướng ổn định, mức tăng khoảng 2-3% so quý trước. Trong đó, dự án thấp tầng mới ra có mức giá hợp lý, riêng phân khúc căn hộ giữ xu hướng tăng.
Tương tự, ở phân khúc đất nền, nhiều khu vực ghi nhận lượng giao dịch tăng “đột biến”, nhất là các lô đất đã tách thửa. Thị trường xuất hiện nhiều nhà đầu tư đi “săn” tại khu vực vùng ven của những thành phố lớn, địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Tuy mức giá giao dịch thành công giảm 20-30 so với đỉnh sốt, nhưng đã đi vào ổn định và không có dấu hiệu giảm giá. So với quý 4/2023, giá đã tăng 5%, cá biệt thị trường ven Hà Nội và gắn liền với khu công nghiệp ghi nhận mức tăng 10-20%.
Các diễn giả thảo luận tại tọa đàm Thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng tái nhập cuộc trong khuôn khổ Chương trình Lễ Công bố báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam.
Song song đó, bất động sản thổ cư tiếp tục “nhộn nhịp” với nhiều thông tin tìm mua từ khách hàng. Sản phẩm phục vụ nhu cầu thực có giá bán từ 3-5 tỷ đồng tại trung tâm thành phố và trên dưới 2 tỷ đồng tại vùng ven được săn đón nhiều nhất. Giá bán ước tăng 5-10% so quý 4/2023. Nhiều đơn vị phân phối nhận định phân khúc này, quý 1/2024 là thời điểm chốt deal nhiều nhất trong vòng 3-5 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars nhận định, quý 1/2024 chính là thời kỳ nước rút. Chính phủ, các bộ, ngành đang nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm rút ngắn khoảng chờ đợi quy định mới trong những bộ luật vừa mới thông qua. Cụ thể là việc nghiên cứu, soạn thảo để trình ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật. “Thị trường bất động sản đã hội tụ khá đầy đủ yếu tố sẵn sàng làm bệ phóng cho tiến trình phục hồi. Đó là sự hậu thuẫn từ phía thượng tầng, căn cứ bản lề của 3 bộ luật có tầm ảnh hưởng nhất tới thị trường, sự quyết tâm của chủ thể, niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư ngày càng được củng cố”, ông Đính khẳng định.
Quá trình phục hồi sẽ diễn tiến tích cực
Theo lãnh đạo Vars, thời gian tới, Chính phủ cùng các cơ quan, Bộ ngành liên quan sẽ nỗ lực hoàn thiện để ban hành Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn, phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Các động thái mới dự báo ngày càng sâu sát hơn.
Ngoài ra, để hỗ trợ thị trường, lãi suất ngân hàng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp, tạo cơ sở cho dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, nhất là sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn; Tiếp tục thúc đẩy quy hoạch địa phương, chú trọng giải ngân đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, so với giai đoạn trước, nhà đầu tư có thể dành nhiều thời gian hơn để cân nhắc quyết định xuống tiền đầu tư “đón sóng” hạ tầng.
Đại diện Vars cũng cho rằng quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Mọi sự chuyển biến diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi và tích lũy trước đó, cùng sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế, lẫn sự phát triển của đô thị hóa. Tuy nhiên, kết quả phục hồi có sự phân hóa theo phân khúc và khu vực.
Bên cạnh đó, sau khi trải qua “trận ốm thập tử nhất sinh”, chủ thể tham gia thị trường còn tồn tại sẽ có “kháng thể”. Số lượng chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc” tiếp tục tăng mạnh, nhiều dự án được kickoff, giới thiệu, mở bán ra thị trường. Số lượng sàn giao dịch, môi giới bất động sản quay trở lại hoạt động dự kiến tăng thêm 30-40%; khách hàng/nhà đầu tư tìm về kênh bất động sản cũng tăng theo; ngân hàng cũng rục rịch nhập cuộc để chuẩn bị cho giai đoạn chạy đua cùng các chính sách cho vay. Dòng tiền từ một số kênh khác sẽ “mạnh dạn” tìm về thị trường bất động sản với số lượng nhiều hơn cùng khả năng tiếp cận “thuận lợi” hơn.
Theo VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-bat-dong-san-phuc-hoi-ro-net-trong-quy-1-2024.htm